Khi nền thể thao đang ở trong một gam màu không tươi sáng, giới hâm mộ có xu hướng nhìn sang môn bóng đá. Bao giờ cũng vậy, kỳ vọng ở môn thể thao số 1 quốc gia này luôn cao kể cả khi đây không phải là môn mà chúng ta có thể cạnh tranh ở tầm vóc thế giới.
1. Tháng 9 này, V-League 2024/25 sẽ khởi tranh mùa bóng thứ 2 thi đấu theo thể thức “vắt” sang 2 năm. Cũng trong tháng 9, HLV Kim Sang Sik có 2 trận đấu FIFA Days rất chất lượng cùng với đội tuyển Nga và Thái Lan. Dù đã dẫn dắt 2 trận ở vòng loại World Cup 2026, nhưng đây mới là thời điểm đầu tiên để người ta có cái nhìn toàn diện về năng lực của tân HLV người Hàn Quốc, bởi 2 trận đấu trước đó, ông không có quá nhiều thời gian để chuẩn bị, nhất là ý tưởng chiến thuật.
Ở thời điểm này, những “vết thương” thất bại ở vòng loại World Cup 2026 dường như cũng đã “lành da”. Hay ít nhất, cuộc khủng hoảng gây nhiều tranh cãi dưới thời HLV Philippe Troussier có thể cũng đã qua. Không hẳn là nhờ đội tuyển có gì khởi sắc, mà chính là vì đời sống bóng đá Việt Nam vẫn đang ở một nhịp độ tích cực. Chức vô địch lịch sử của bóng đá Nam Định là điểm nhấn.
Trong 20 mùa giải V-League gần nhất, có đến 10 cái tên khác nhau từng vô địch Việt Nam, trong đó có 9 đội hiện vẫn sẽ tranh tài ở V-League mùa giải mới, ngoại trừ GĐT.LA hiện đang phải chơi tại giải hạng Nhất.
9/14 đội đã từng vô địch, đó là một con số rất đặc biệt nếu chúng ta so sánh với các giải vô địch quốc gia trong khu vực lẫn trên thế giới. Điều này cho thấy V-League có tính cạnh tranh cao, ít nhiều cũng đạt được sự ổn định cần thiết để duy trì chất lượng cho giải đấu hàng đầu quốc gia. Trong số 9 nhà vô địch này, có đến 6 đội (ngoài HAGL, SHB Đà Nẵng và Quảng Nam) vẫn đang được đánh giá là ứng viên cho mùa giải mới. Đó là con số rất đáng mừng.
Nói cách khác, ở một góc nhìn công bằng, V-League đang thực thi tốt chức năng và vai trò của mình, dù bản thân giải đấu này vẫn là đề tài tranh cãi trong giới hâm mộ bóng đá Việt Nam. Người ta có thể chế giễu V-League với nhiều mô tả mang màu sắc tiêu cực khác nhau, nhiều CĐV còn công khai thừa nhận mình yêu đội tuyển quốc gia nhưng… chưa bao giờ xem V-League. Nhưng như đã nói, nếu đừng quá khắt khe, thì giải đấu này vẫn đang tiến bộ từng ngày.
Ví dụ như từ năm 2020 đến 2024, có đến 4 đội khác nhau vô địch V-League. Ngôi vị cao nhất liên tục đổi chủ, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Cũng chính vì cuộc đua hấp dẫn ấy mà ở mùa giải tới, chúng ta thấy cựu vương B.Bình Dương đang nhập cuộc với thái độ quyết liệt như thế nào khi cải tổ toàn bộ ban huấn luyện.
Họ từng 4 lần đăng quang, sự hứng thú đôi khi không còn thể hiện ở nhiều mùa giải kể từ sau lần cuối năm 2015 đến nay, nếu họ cứ tiếp tục như vậy chắc cũng chẳng ai phiền trách gì. Thế nhưng, các động thái của B.Bình Dương cho thấy hình như họ “nóng mặt”, muốn trở lại với sự lợi hại hơn trước.
Đó chính là sự thú vị mà V-League đem đến cho bóng đá Việt Nam, chứ không hẳn chỉ ở những yếu tố số lượng tuyển thủ quốc gia mới.
2. Bản danh sách với nhiều cái tên kỳ cựu của HLV Kim Sang Sik là một thực tế cần phải chấp nhận: bóng đá Việt Nam cần chờ đợi cho một thế hệ tài năng kế tiếp, có thể vài ba năm nữa chứ không phải bây giờ. Ông Kim đã có thời gian theo dõi V-League, quả thật là không thể tìm ra những nhân tố trẻ trung nào cả. Trên tinh thần đó, điều đáng chờ đợi trong tháng 9 đó là ông Kim “làm mới” đội hình cũ như thế nào.
Trên thực tế, mùa V-League 2023/24 cho thấy có một vài tuyển thủ quốc gia đã lấy lại chỗ đứng ở đội tuyển sau khi tận dụng tốt cơ hội trong màu áo mới, trường hợp của Hồng Duy hay Hồ Tuấn Tài chẳng hạn.
Đây là những người mà về lý thuyết vẫn còn trong độ tuổi sung sức của sự nghiệp, họ làm mới mình ở V-League được thì hi vọng ông Kim Sang Sik cũng tìm ra cho họ một sự tươi mới ở đội tuyển. Nga và Thái Lan là 2 bài kiểm tra đủ để ông Kim bộc lộ hết năng lực của mình trong tiến trình chuẩn bị cho Asean Cup vào cuối năm.
Cách chọn người của ông Kim, cùng với tính ổn định của V-League, có thể chính là khởi đầu cho một cách tiếp cận mới của bóng đá Việt Nam, khi nền tảng của đội tuyển và những triển vọng thành tích đều dựa trên những gì chúng ta có được từ V-League. Giờ chỉ hy vọng là người hâm mộ sẽ thích xem V-League nhiều hơn để giải đấu này có động lực để tiến bộ nhiều hơn.
Tất nhiên, cũng cần đội bóng của HLV Kim Sang Sik có được màn thể hiện tốt ở 2 trận giao hữu sắp tới. Cho đến nay, vẫn còn những tranh cãi nhất định về phương pháp tiếp cận của HLV Troussier trong hơn một năm cầm quân.
Chúng ta từng kỳ vọng trẻ hóa đội tuyển, thay đổi lối chơi, nhưng rốt cục lại không đạt kỳ vọng. Vậy khi trở lại với cách lựa chọn cầu thủ phong độ tốt nhất, tìm kiếm thành tích dựa trên bản lĩnh và kinh nghiệm, thì có tốt hơn không?
Đó là điều mà bóng đá Việt Nam đã loay hoay suốt hơn 1 năm qua.
3. Nói chuyện bóng đá, cũng là để nhắc đến thực trạng hiện nay của thể thao Việt Nam sau những nỗ lực bất thành ở đấu trường cao cấp như Asiad hay Olympic. Mặc dù trong quá trình dự những sự kiện tầm cỡ ấy, chúng ta cũng có những thành tích nổi bật, nhưng tính ổn định không có, cũng vì thiếu yếu tố nền tảng.
Bóng đá là môn tiên phong về chuyên nghiệp hóa, có sức hút mạnh, kiếm tiền tốt, thậm chí bán được bản quyền truyền hình. Nhưng như đã thấy, kể cả làm được nhiều hơn các môn khác thì quá trình vươn đến đẳng cấp châu lục, thế giới đối với bóng đá cũng còn trầy trật, gian nan.
Rõ ràng, chẳng có con đường nào dễ dàng và “đi tắt đón đầu” mãi được. Với đội tuyển trong tay HLV Kim Sang Sik hiện nay, để tái lập lại những thành tích như thời của người đồng hương Park Hang Seo thôi cũng đã là cực khó, chưa nói đến chuyện vào tốp 10 châu Á, mục tiêu mà chúng ta từng đặt ra chiến lược thực hiện đến 2030. Mà chưa đến tốp 10, thì giấc mơ World Cup hãy còn xa lắm.
Đó phải chăng là cách tiếp cận cần thiết cho cả nền thể thao Việt Nam lúc này. Tức là cần thêm sự kiên trì bên cạnh mộng mơ. Cần thêm những cách làm đột phá để xây dựng nền tảng thật vững vàng trước khi nghĩ đến những chiến thắng tầm thế giới. Cần thêm những sân bóng, nhà thi đấu thể thao đông đảo khán giả ở các trận đấu quốc nội mới có thêm nguồn lực để đầu tư.